Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

TIẾNG CƯỜI.

Sau ít ngày theo dõi trên các phương tiện truyền thông, mình hoang mang, không hiểu được gì, có quá nhiều tin, bài, bình luận về sự kiện dàn khoan Hải dương thạch du  HD-981 kèm theo nhiều tàu Kiểm ngư, Hải cảnh và cả tàu Hải quân (đã mở bạt pháo) của Trung quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam ở biển Đông.
Với thái độ kiểm điểm nghiêm túc mình thấy túm lại vài kiến sau, về các điều đã đọc :
- Về tên gọi : Hành động xâm phạm này chính xác là gây hấn, vậy Trung quốc đang gây hấn với "16 chữ vàng" và "4 tốt" do chính họ đưa ra trước và được Việt nam chấp nhận tự nguyện.
- Về âm mưu : Có hay không một âm mưu? Trung quốc dùng hành động này để nguỵ trang việc đang dốc sức xây dựng căn cứ quân sự hiện đại tại đảo Gạc ma. Nếu có Chính phủ Việt nam chắc biết? Vậy thì.
- Về bình luận : Có quá nhiều, rất khác nhau nhưng có thể túm vào hai thái độ khen  hoặc chê kiểu đại loại : Việt nam cô đơn và Việt nam được thế giới ủng hộ? Việt nam đánh trận giả và Việt nam phản ứng tốt? Việt nam đấu tranh yếu và Việt nam có lòng dân mạnh tuyệt đối? Ngay trong hành động biểu tình cũng có nhận xét biểu tình quốc doanh và biểu tình tự phát? Đặc biệt vụ việc biểu tình kéo theo đập phá tài sản của một vài doanh nghiệp liên doanh Trung quốc, Đài loan thậm chí Singapore từ 12/4 tại tỉnh Bình dương. vv và vv.
Cái sức mạnh của dân tộc đã đúc kết "Đoàn kết" cũng bị nghi ngờ? Liệu bây giờ??? Có thể nghi ngờ? Nhất định không nghi ngờ, sau năm tháng và có thể với máu xương, lịch sử vẫn là lịch sử, cái sức mạnh ấy của nhân dân là bất biến, mãi mãi bất biến.
Có thể nghi ngờ ở tầng lớp cao hoặc có tài sản lớn?
Không thể nghi ngờ Nhân dân, những người dân Việt. 
Cái không thể nghi ngờ! Cái "dĩ bất biến" ấy trong trường ca Khoảng trời người lính của cố Nhà thơ Lê Anh Quốc tự nhiên như đất trời sinh ra mình, như hơi thở con người giữa trời và đất ấy.
Một tự đánh giá về thế hệ mình cũng tức là mỗi thế hệ người Việt nam ta với nghĩa đồng bào :
"Thế hệ chúng tôi ai cũng dễ thương
Thơm thảo như hoa
Ngọt ngào như trái 
Tình đồng đội lòng không cỏ dại 
Nghĩa đồng bào - Bầu, Bí thương nhau."
Mỗi đồng bào ấy đã tường tận về sự hy sinh của mình, không mơ hồ hy vọng điều chi :
"Những hy sinh không thể bắc lên cân
Càng không thể quy thành tem phiếu
Những người lính có bao giờ định liệu
Cái giá mình trước Tổ quốc, Nhân dân!"
Tự hiểu cái triết lý làm dân của mình :
"Vẫn chỉ là muôn thuở đói hay no?
Mà lăn lóc cả đời với đất
Từ mặt trận, mang cái còn - cái mất
Trở về làng đánh đổi cái có – cái không."

Để rồi thế hệ trước gom cho thế hệ sau và cứ thế gom tiếp, gom mãi vũ khí giữ đất, giữ cái để cả đời lăn lóc với nó, không còn nó lăn lóc vào đâu :
"Nếu gom được – xin giữ cho mai sau!
Phòng có giặc hãy phát làm vũ khí
Nếu còn sống nhớ mang về ngoài đó
Những trận cười rừng rực tuổi con trai!"
Thưa Anh Quốc, Anh đã sống qua chiến tranh nhưng "Năm 2006, anh lâm bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh và từ giã cuộc đời, để lại tập bản thảo trường ca “Khoảng trời người lính” còn dang dở." Tôi còn sống, thế hệ mình nhiều triệu dân còn sống, Anh đã cười và tôi đang "cười rừng rực tuổi con trai", cái cười hiểu đời! cái cười biết người, hiểu và biết nhiều, nhiều lắm, nhưng trước và trên hết là dân mình phải làm gì? Hiểu thế hệ mình!, Biết về sự hy sinh của mình!, Hiểu đời dân của mình!, Biết vũ khí bất biến của dân tộc mình!, Tiếng cười dĩ bất biến đã truyền lại rồi.
Vài đoạn trích trên như nén nhang tưởng nhớ Anh và lời xin trích từ một bản thảo thơ dang dở của Anh để làm bài viết này. Cũng xin cảm ơn Bạn tôi đã nhận xét tại bài viết NÓNG LẠNH. của tôi và đã có vài nhận xét ở trang khác về thơ Anh, về tôi và Con tôi, để tôi có cảm xúc hoàn thành việc giãi bày suy tư trong bài THÀNH CỤ.
Về trường ca này có vài tin tức khác nhau nên tôi chỉ xin trích : "QĐND - Lê Anh Quốc sinh năm 1949 ở tỉnh Yên Bái, sinh viên Khoa văn ĐHTH Hà Nội,nhập ngũ tháng 8-1971, vào Sư đoàn 308A. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, anh trở về trường cũ tiếp tục học tập rồi về quê nhà dạy học ở một trường PTTH.
Lê Anh Quốc có năng khiếu làm thơ từ thuở học trò. Đi bộ đội rồi về dạy học anh vẫn tiếp tục làm thơ. Năm 2006, anh lâm bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh và từ giã cuộc đời, để lại tập bản thảo trường ca “Khoảng trời người lính” còn dang dở. QĐND Cuối tuần xin giới thiệu một số đoạn trong bản thảo trường ca của Lê Anh Quốc:"  link bài trích : Ở ĐÂY..
Thôi thì Anh, Tôi cùng hiểu :
Chỉ cần tiếng cười ta tồn tại
Thì cuộc đời mãi mãi lại hồi sinh
Xuân Diệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét